6 bước cải thiện chất lượng hệ thống âm thanh gia đình

  • Chủ nhật, Ngày 29/03/2022
  • Bất kì một gia đình nào khi đã đầu tư chi phí để sở hữu một dàn âm thanh cho riêng mình thì cũng đều mong muốn rằng dàn âm thanh này sẽ mang lại chất lượng âm thanh hay nhất có thể, xứng đáng với chi phí đầu tư. Tuy nhiên vì lí do này hay lí do khác, dàn âm thanh lại không đáp ứng được yêu cầu như mong muốn của người sở hữu. Hãy thử kiểm tra lại các bước sau đây, có thể sẽ giúp các bạn cải thiện được chất lượng âm thanh cho bộ dàn gia đình mình.

    1. Vị trí đặt loa

    Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng mà mình đã từng đề cập với các bạn trong bài viết Vị trí đặt loa hợp lí. Đặc biệt đối với các gia đình sử dụng hệ thống âm thanh 5.1, bao gồm 5 loa, nếu không có những vị trí tốt nhất cho các loa này thì rất có thể nó sẽ làm cho âm thanh của không gian phòng trở nên mất cân đối vì bị chồng chéo âm thanh. 

    Cách tốt nhất trong trường hợp này đó là hãy sử dụng những hướng dẫn có sẵn của nhà sản xuất, gợi ý về vị trí đặt loa sao cho phù hợp nhất. Hoặc cũng có thể nhờ một ai đó có khả năng nghe tương đối tốt, ngồi và nhận xét về âm thanh trong khi bạn thay đổi các vị trí loa. 

    Một dàn âm thanh có thể rất chất lượng theo lời nhận xét của nhiều người, có giá trị rất cao, nhưng đặt loa sai vị trí cũng sẽ chẳng mang lại hiệu quả âm thanh tốt nhất được. Hãy chú ý kĩ đến vị trí đặt loa.

    2. Loa đặt trên chân đế hay đặt dưới đất

    Đây cũng là câu hỏi rất khó trả lời, thường gặp nếu chúng ta chưa trải nghiệm cả 2 vị trí đặt loa này. Một điều cần lưu ý ở đây là những gì xung quanh loa có thể ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Đặt loa trên tủ sách có thể khiến âm thanh vang kiểu như bạn phát âm khi đặt úp tay trên miệng. Đặt các loa gần nhau ở phía trên TV có thể làm giảm chất lượng âm thanh stereo. Dịch chuyển các loa gần tường có thể giúp tăng âm bass, điều này có tốt hay không phụ thuộc vào từng trường hợp.

    Có thể sẽ tốn một chút thời gian để bạn có thể kiểm nghiệm được âm thanh phát ra từ loa ở mỗi vị trí, trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng hãy kiên nhẫn nếu bạn muốn sở hữu chất lượng âm thanh tốt nhất có thể.

    3. Chú ý đến loa siêu trầm

    Cũng liên quan đến loa siêu trầm, các bạn có thể tham khảo qua bài viết: Vị trí loa sub trong dàn âm thanh. Việc đặt loa sub thường liên quan đến yếu tố thẩm mỹ, vì đây là loại loa có kích thước tương đối lớn hơn so với các loa bình thường. Đặt loa sub gần tường sẽ tạo ra “hiệu ứng biên” giúp nâng cao âm thanh ở một số dải tần nhất định. Đặt loa sub gần góc tường thậm chí sẽ tạo ra một hiệu ứng lớn hơn. Vì vậy, đơn giản là càng đặt loa sub gần tường, bạn càng có được âm thanh lớn.

    Nếu bạn đặt loa subwoofer phía dưới ghế ngồi hoặc trong một không gian kín (trong một tủ hẹp), âm thanh của nó sẽ bị giảm đáng kể. Chính vì vậy, đặt loa sub trong một tủ mở hay trên giá sẽ tốt hơn, tạo ra hiệu ứng tương tự như đặt chúng ở một góc tường.

    4. Kết nối giữa các thiết bị trong dàn

    Đây cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Theo thời gian các loại dây tín hiệu, dây loa trong hệ thống âm thanh của bạn cũng sẽ gặp vấn đề vì nhiều yếu tố. Hãy kiểm tra kĩ lại từng dây nối một, xem có dây nào bị trục trặc ở lõi dây hay đầu jack cắm hay không. Vì đây là yếu tố tương đối nhỏ nên nhiều người thường không quan tâm, dẫn đến việc dàn âm thanh không thể phát huy hết khả năng của nó. 

    Một chú ý nho nhỏ nhưng rất thường gặp đó là do các dàn âm thanh, mà mình cũng từng nhắc với các bạn rất nhiều lần. Đó là đôi lúc phối ghép từ nhiều thiết bị sẵn có, ampli không đủ cung cấp công suất cho loa, loa không thể phát huy hết giá trị. Hãy kiểm tra chắc chắn sự tương thích giữa các thiết bị trong dàn âm thanh.

    5.Tùy chỉnh các thiết bị âm thanh liên quan

    Đây là yếu tố liên quan đến kỹ thuật tương đối nhiều. Hiểu về các thiết bị âm thanh cũng như vai trò của nó sẽ giúp bạn có thêm lựa chọn cho các giải pháp âm thanh khác nhau. Một dàn âm thanh chất lượng nhưng người sở hữu không có khả năng chỉnh cũng sẽ không thể nào đáp ứng chất lượng âm thanh yêu cầu.

    Một giải pháp trong trường hợp này đó là hãy tự tìm hiểu về các thiết bị âm thanh và chức năng của nó, tập chỉnh và sẽ có những thiết bị, phần mềm giúp bạn kiểm tra được chất lượng âm thanh. Còn nếu không hãy nhờ một người quen đến điều chỉnh mẫu, sau đó có thể học tập và rút kinh nghiệm.

    6. Điều chỉnh không gian phòng

    Cuối cùng sau khi đã kiểm tra kĩ lưỡng các bước trên, hãy sắp xếp lại không gian phòng của bạn. Nhiều người thường thắc mắc và cho rằng đây là một yếu tố không liên quan đến chất lượng âm thanh. Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

    Nếu căn phòng của bạn sử dụng các bức tường rỗng, điều này không tốt cho việc trình diễn âm thanh. Để khắc phục, bạn có thể kê các tủ sách lớn vào các bức tường. Đối với các cánh cửa trượt bằng kính cũng vậy, bạn nên kê các tủ sách vào trước vị trí trước các cánh cửa hoặc sử dụng các màn che.

    Các màn che có tác dụng hấp thu âm thanh, làm giảm hiệu ứng dội âm. Các màn che hoặc giá sách trên các bức tường cứng phía sau cũng có tác dụng tương tự. Sàn gỗ cứng cũng là một tác nhân ảnh hưởng. Cách cải thiện trong trường hợp này sẽ là trải một tấm thảm thô ráp giữa loa và vị trí của người nghe. 

    Sau khi đã kiểm tra xong hết 6 bước trên, bạn hãy thử ngồi nghe lại chất lượng của hệ thống âm thanh gia đình mình, rất có thể bạn sẽ phải bất ngờ vì sự thay đổi tích cực của bộ dàn. Chúc các bạn sẽ có thêm những phương pháp giúp cải thiện cho chất lượng âm thanh của hệ thống gia đình mình. Mọi thắc mắc có thể liên hệ hotline: 0937.403.689 để được giải đáp miễn phí.

      Bài viết liên quan

    GIAO HÀNG MIỄN PHÍ

    GIAO HÀNG MIỄN PHÍ

    Áp dụng nội thành TP.HCM

    UY TÍN HÀNG ĐẦU

    UY TÍN HÀNG ĐẦU

    Showroom nhạc cụ lớn nhất hệ thống

    SẢN PHẨM ĐA DẠNG

    SẢN PHẨM ĐA DẠNG

    Piano, Organ, Guitar, Trống...

    Gọi 0949.076.789

    Gọi 0949.076.789

    Hỗ trợ 24/7